Mūlapariyāya Sutta[1] – Bài dạy tại chùa Xá Lợi, Sài Gòn (TT. Thích Nhật Từ)

I. ĐẠI Ý KINH

Qua bài Kinh này, đức Thế Tôn [2] phân tích các cấp độ nhận thức của bốn hạng người: phàm phu, bậc hữu học, bậc A-la-hán và Như Lai. Trên cơ sở của nhận thức “tưởng tri” (saññājānāti) hoặc “thắng tri” (abhijānāti) phàm và thánh được xác định, luân hồi và giải thoát có mặt. Để giải thoát, hành giả chỉ cần chuyển hoá nhận thức từ “tưởng tri” thành “thắng tri.”

II. NỘI DUNG KINH

1. Tưởng Tri của Phàm Phu

Phàm phu do tưởng tri  “địa đại là địa đại” nên tưởng tri “tự ngã  địa đại” hoặc “tự ngã trong địa đại” hoặc “tự ngã ngoài địa đại” hoặc “địa đại là của ta,” từ đó, phát sanh thái độ tham đắm (dục hỷ) về địa đại. Nguyên nhân là vì không liễu tri địa đại.

Tương tự, phàm phu do tưởng tri “thuỷ đại là tự ngã,” “hoả đại là tự ngã,” và “phong đại là tự ngã,” nên tưởng tri “tự ngã là, trong hay ngoài 3 đại này” hoặc “các đại này là của ta,” từ đó, phát sanh thái độ tham đắm (dục hỷ) về thuỷ đại, hoả đại và phong đại. Nguyên nhân là vì không liễu tri các đại.

Tương tự, hạng phàm phu còn tưởng tri 20 đối tượng sau đây: chúng sanh (bhūtā), chư thiên (deva), Sanh Chủ (Pajāpati), Phạm Thiên (Brahmā), Quang Âm thiên, Biến Tịnh thiên, Quảng Quả thiên (Vehapphalā), Thắng Giả (Abhibhū), Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ, sở kiến, sở văn, sở giác, sở tri, đồng nhất, sai biệt, tất cả, niết-bàn của khoái lạc giác quan. Đối với mỗi đối tượng trên, phàm phu nhận thức sai lầm nên dẫn đến tham đắm.

2. Thắng Tri của Bậc Hữu Học

 Bậc Hữu Học  (sekha) do thắng tri (abhijānāti) “địa đại là địa đại,”[3] nên không nghĩ đến địa đại, không cho rằng “tự ngã  địa đại” không cho rằng  “tự ngã trong địa đại” không cho rằng “tự ngã ngoài địa đại” không cho rằng “địa đại là của ta.” Nhờ đó, thái độ tham đắm về địa đại không có mặt. Nguyên nhân là vì thắng tri được bản chất của địa đại.

3. Thắng Tri của A-la-hán

Tương tự, bậc A-la-hán do thắng tri (abhijānāti) “địa đại là địa đại,” nên không nghĩ đến địa đại, không cho rằng “tự ngã  địa đại” không cho rằng  “tự ngã trong địa đại” không cho rằng “tự ngã ngoài địa đại” không cho rằng “địa đại là của ta.” Nhờ đó, thái độ tham đắm về địa đại không có mặt. Nhờ thắng tri, bậc A-la-hán xa lìa được tham đắm, sân hận và vô minh.

4. Thắng Tri của Như Lai

 Tương tự, Như Lai (Tathāgata), bậc Chánh Đẳng Giác (sammāsambuddha) nhờ thắng tri nên không còn các thái độ nhận thức “tôi là,” “tôi ở trong,” “tôi ở ngoài” bốn đại, hay bốn đại là “của tôi.” Như Lai thấu rõ tham dục là nền tảng của đau khổ (dukkha); thấu rõ từ sự hiện hữu (bhāva) mà có sinh trong ba cõi sáu đường, theo đó, tiến trình già, bệnh, chết xuất hiện. Nhờ trừ diệt tận gốc của tham ái, sự ly tham và sự xả ly xuất hiện, thành tựu giác ngộ vô thượng.

III. THUẬT NGỮ TRONG KINH

Rừng Subhaga: Nghĩa đen là rừng Hạnh Phúc. Đây là rừng cây Ta-la vương tự nhiên, ở xứ Ukkhaṭṭhā.

Phàm Phu (puthujjana): còn gọi là vô văn phàm phu. Khái niệm “phàm phu” được định nghĩa trên nền tảng của đạo đức và trí tuệ là người ít nghe kém học, không gần gũi thánh nhân, không thuần thục đạo lý của bậc chân nhân (Độc Giác Phật) và thánh nhân (A-la-hán và Phật), không thực hành thánh đạo, không có chất liệu an lạc và giải thoát. Tương tự, thánh nhân là người vun trồng các hạt giống đối lập với phàm phu.

Chân nhân (sappurisa) chỉ cho bậc Bích-chi Phật hay bậc Độc Giác.

Thánh nhân (ariyānaṃ) chỉ cho Phật, A-la-hán và Độc Giác.

Thánh Hữu học (sekha): Các bản dịch tiếng Anh thường dịch sai là “bậc chưa tốt nghiệp” (undergraduate) hay “người học” (learner). Trong Phật giáo, thuật ngữ này chỉ cho ba cấp thánh Thanh Văn, gồm thánh Tư-đà-hoàn, Tư-đà-hàm và A-na-hàm, những bậc vẫn phải tiếp tục tu tập thánh đạo, để thành tựu trọn vẹn đạo quả (appattamānasa) A-la-hán, mới có thể thật sự đạt được sự an ổn và giải phóng khổ ách một cách toàn triệt.

Thánh Vô Học (aseka) chỉ cho bậc A-la-hán, người đã hoàn tất tiến trình tu tập giải thoát. Trong tiếng Anh thường dịch sai là “người tốt nghiệp” (graduate) hay “người tinh thông” (adept). 

A-la-hán: là bậc vô học hay bậc thánh không cần phải tu tập thêm, vì đã chấm dứt được phiền não nghiệp chướng (lậu hoặc), tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống [ohitabhāra = uẩn (khandha), phiền não (kilesa) và vật liệu tái sanh (abhisankhāra)], đã thành đạt lý tưởng Phật đạo, đã tận trừ hữu kiết sử (fetters of becoming), đạt được chánh trí giải thoát.

Bốn đại: bốn yếu tố hình thành nên thành phần vật lý của con người và thế giới vật lý. Địa đại (Pali: paṭhavī đồng nghĩa với mahābhūta = dhātu) là yếu tố chất rắn hay vật thể. I.B. Horner dịch là “ngoại diên” (extension) theo nghĩa triết học, mà biểu tượng cụ thể của nó là “trái đất” (earth). Thuỷ đại (āpo) là yếu tố chất lỏng hay nước. Hoả đại (tejo) là yếu tố chất nhiệt hay lửa, hiểu chung là “nhiệt độ” bao gồm nóng hoặc lạnh, hơi nóng hay nguồn năng lượng sinh tồn (vitalizing energy). Phong đại (vāyo) là yếu tố vận động, không khí hay gió.

Dục hỷ: sự ưa thích mang tính tham đắm.

Chúng sinh (bhūtā): chỉ chung cho các sinh vật có tình thức hoặc vô tình thức.

Chư thiên: chỉ cho các chúng sanh trong sáu cõi trời thuộc về Dục giới.

Sanh chủ (Pajāpati) được quan niệm sai lầm như Đấng Sáng Thế trong Bà-la-môn giáo.

Phạm thiên (Brahmā) hay còn gọi là Đại Phạm Thiên (Mahābramā), thuộc cõi sơ thiền sắc giới.

Quang Âm thiên thuộc cõi nhị thiền sắc giới.

Biến Tịnh thiên thuộc cõi tam thiền sắc giới.

Quảng Quả thiên thuộc cõi tứ thiền sắc giới.

Thắng giả (Abhibhū) là chúng sanh không còn dòng chảy của tưởng.

Không vô biên xứ: thuộc cõi sơ thiền vô sắc giới.

Thức vô biên xứ: thuộc cõi nhị thiền vô sắc giới.

Vô sở hữu xứ: thuộc cõi tam thiền vô sắc giới.

Phi tưởng phi phi tưởng xứ: thuộc cõi tứ thiền vô sắc giới.

Kiến văn giác tri (diṭṭhi-suta-muta-viññāta): cái thấy hay sự vật được nhận thấy (the seen), cái nghe hay âm thanh được nghe (the heard), cái cảm giác hay sự vật được cảm nhận (the sensed), cái nhận thức hay sự vật được nhận biết (the cognized), chính là bốn cơ năng của tưởng tri, là nền tảng của chấp thủ, dẫn đến khổ đau và luân hồi.

Đồng nhất (ekatta, unity): tính thống nhất, tính không thay đổi. Nhận thức tưởng tri về sự đồng nhất dẫn đến nhất nguyên luận hay nhất thần giáo.

Sai biệt (diversity): tính dị biệt, tính thay đổi. Nhận thức tưởng tri về sự sai biệt dẫn đến đa nguyên luận hay đa thần giáo.

Tất cả: tính phổ quát hay phổ biến. Nhận thức tưởng tri về sự phổ quát dẫn đến phiếm thần luận, học thuyết cho rằng thần có mặt trong tất cả mọi sự vật hiện tượng.

Niết-bàn: trong kinh này không phải là niết-bàn theo quan niệm của Phật giáo, mà là quan niệm “thực dụng thiển cận” theo các triết gia Ấn-độ cùng thời với Phật. Niết-bàn được người Ấn-độ quan niệm là các khoái lạc giác quan, hay cao hơn là các hỷ lạc thuộc bốn cõi thiền sắc giới, vốn không phải là niết-bàn chân thật theo Phật giáo: trạng thái giác ngộ, giải thoát, vắng mặt tham, sân, si và phiền não âm tính.

Lậu hoặc (kilesa = āsava, taints, cankers, defilements) chỉ cho các tâm lý tham, sân, si như nền tảng của các phiền não, trói buộc con người trong khổ đau, sinh tử và luân hồi.

IV. CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Bạn nghĩ thế nào về tác hại của “tưởng tri” trong đời sống, trong mối quan hệ con người, trong bang giao quốc tế?

2. Dương Quá tình cờ cứu con ngựa nghẻ chóc bị chủ đánh đập. Ngựa cảm mến theo Dương Quá. Vì quý mến nên Dương Quá tặng ngựa cho nàng Lục Vô Tình thầm yêu trộm nhớ anh ta. Cô gái mặc cảm bảo: “Anh chê tôi xấu như con ngựa ghẻ chóc này phải không?” Hãy phân tích nhận thức của con ngựa và cô gái trong giai thoại trên.

3. Bạn hiểu thế nào về nguồn gốc của khổ đau theo tinh thần của Kinh này? Con đường chuyển hoá để được an lạc và giải thoát được trình bày như thế nào?


[1] Nghĩa đen là “Kinh Dạy về Gốc Rễ của Sự Vật.” I.B. Horner dịch là “Kinh Nói về Đề Cương Nền Tảng của các Sự Vật” (The Synopsis of Fundamentals of All Things). HT. Minh Châu dịch theo cấu trúc chữ Hán là Kinh Pháp Môn Căn Bản, thay vì trong tiếng Việt là Kinh Căn Bản của Các Pháp Môn. Nguyên tác Pali ghi “sabbadhammamūlapariyāya  dịch sát nghĩa là “nền tảng căn bản của các sự vật hiện tượng.” Về nghĩa đen, “sabba” có nghĩa là “tất cả;” “dhammā” trong ngữ cảnh này không có nghĩa là “pháp môn” mà là “sự vật hiện tượng;” “mūla” là “gốc rễ” hay “căn bản;” và “pariyāya” có nghĩa là “cương yếu” hay “đề cương.” Ở đây, chúng tôi không dịch theo nguyên tác, mà đặt tựa đề Kinh là “Kinh Dạy về các Cấp Độ Nhận Thức” theo nội dung chính yếu của kinh, nhằm giúp người đọc dễ nắm bắt được chủ đề chính của Kinh.

[2] Pali: Bhagavā. Bản dịch tiếng Anh của Tỳ-kheo Ñāṇamoli dịch là “Đấng Ban Phước” (The Blessed One) và I.B.Horner dịch là “Đức Ngài” (the Lord, Thượng Đế), dễ dẫn đến hiểu lầm rằng đức Phật là Thượng Đế, có khả năng ban phước. Từ sát nghĩa trong tiếng Anh là World-Honored One.

[3] Nhận thức trên nền tảng các sự vật là vô thường và vô ngã.

Nguồn: Đạo Phật Ngày Nay.