Trung Bộ Kinh
Majjhima Nikaya

114. Kinh Nên hành trì, không nên hành trì
(Sevitabba-asevitabba sutta)


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: “Này các Tỷ-kheo”. — “Bạch Thế Tôn”. Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau: — “Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn về nên hành trì, không nên hành trì. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng” — “Thưa vâng bạch Thế Tôn”. Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

(Lời giảng đầu tiên)

— Này các Tỷ-kheo, Ta nói thân hành có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa thân hành”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói khẩu hành cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa khẩu hành”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói ý hành cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa ý hành”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói tâm sanh cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa tâm sanh”. Này các Tỷ-kheo, Ta nói tưởng đắc cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa tưởng đắc”. Kiến đắc, này các Tỷ-kheo, Ta nói cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa kiến đắc (ditthipatilabha)”. Ngã tánh đắc, này các Tỷ-kheo, Ta nói cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và đây là sự tương đối giữa ngã tánh đắc”.

(Giảng rộng)

Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, lời nói này được Thế Tôn nói lên vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, con hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:

Thân hành, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa thân hành”. Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên? Bạch Thế Tôn nếu một thân hành nào khi hành trì, bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm, thân hành như vậy không nên hành trì. Bạch Thế Tôn, và một thân hành nào khi hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng, thân hành như vậy nên hành trì.

Bạch Thế Tôn, thân hành gì khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại, đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình. Người này lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh trong các dục vọng, giao cấu các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Thân hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Bạch Thế Tôn, thân hành gì khi hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng?

Ở đây, bạch Thế Tôn, có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Người ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho; bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi, không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy. Người ấy từ bỏ sống tà hạnh trong các dục vọng, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Thân hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Thân hành, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa thân hành”. Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Khẩu hành, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa khẩu hành”. Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên gì lời nói ấy được nói lên? Bạch Thế Tôn, một khẩu hành nào khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm, khẩu hành như vậy không nên hành trì. Bạch Thế Tôn và một khẩu hành nào khi hành trì bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng, khẩu hành như vậy nên hành trì.

Bạch Thế Tôn, khẩu hành gì khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiệp pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này Người kia, hãy nói những gì Ông biết”. Dầu cho người ấy không biết, người ấy nói: “Tôi biết”; dầu cho người ấy biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay dầu cho người ấy không thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”; hay dầu cho người ấy thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”. Như vậy, lời nói của người ấy trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Và người ấy là người nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia. Như vậy, người ấy ly gián những kẻ hòa hợp, hay xúi dục những kẻ ly gián, ưa thích phá hoại, vui thích phá hoại, thích thú phá hoại, nói những lời đưa đến phá hoại. Và người ấy là người nói lời thô ác. Bất cứ lời gì thô ác, tàn ác, khiến người đau khổ, khiến người tức giận, liên hệ đến phẫn nộ, không đưa đến Thiền định, người ấy nói những lời như vậy. Và người ấy nói những lời phù phiếm, nói phi thời, nói những lời phi chơn, nói những lời không lợi ích, nói những lời phi pháp, nói những lời phi luật, nói những lời không đáng gìn giữ. Vì nói phi thời nên lời nói không có thuận lý, không có mạch lạc, hệ thống, không có lợi ích. Khẩu hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Bạch Thế Tôn, khẩu hành gì khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi bị dẫn xuất làm chứng và được hỏi: “Này người kia, hãy nói những gì Ông biết”. Nếu biết, người ấy nói: “Tôi biết “; nếu không biết, người ấy nói: “Tôi không biết”; hay nếu không thấy, người ấy nói: “Tôi không thấy”; nếu thấy, người ấy nói: “Tôi thấy”. Như vậy lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì. Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác; như vậy, người ấy nói những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm; người ấy nói đúng thời, nói những lời chơn thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi. Khẩu hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Khẩu hành, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa khẩu hành”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Ý hành, này các Tỷ-kheo, Tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa khẩu hành”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên gì lời nói ấy được nói lên? Bạch Thế Tôn, một ý hành nào khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, khẩu hành như vậy không nên hành trì. Bạch Thế Tôn, và một ý hành nào khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, ý hành như vậy nên hành trì.

Ý hành gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn có người có tham ái, tham lam tài vật kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!” Lại có người sân tâm, khởi lên hại ý, hại niệm như sau: “Mong rằng những loài hữu hình này bị giết, hay bị tàn sát, hay bị tiêu diệt hay bị làm hại, hay mong chúng không còn tồn tại”. Ý hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Ý hành gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng? Ở đây có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, nghĩ rằng: “Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác không trở thành của mình!” Lại có người không có sân tâm, không khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: “Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân”. Ý hành như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Ý hành, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa ý hành”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Tâm sanh, này các Tỷ-kheo, tôi nói cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa tâm sanh”. Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Bạch Thế Tôn, nếu một tâm sanh nào khi hành trì, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, tâm sanh như vậy không nên hành trì. Và một tâm sanh nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, tâm sanh như vậy nên hành trì.

Tâm sanh gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người có tham dục, sống với tâm câu hữu với tham dục; người ấy sân hận và sống với tâm câu hữu với sân hận; người ấy có hại tâm và sống với tâm câu hữu với hại tâm. Tâm sanh như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm.

Tâm sanh gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người không có tham dục; sống với tâm không câu hữu với tham dục; người ấy không có sân hận và sống với tâm không câu hữu với sân hận; người ấy không có hại tâm và sống với tâm không câu hữu với hại tâm. Tâm sanh như vậy, bạch Thế Tôn, nếu hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng.

Tâm sanh, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa tâm sanh”. Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Tưởng đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sư tương đối giữa tưởng đắc”. Thế Tôn đã nói vậy. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Một tưởng đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, tưởng đắc như vậy không nên hành trì. Và một tưởng đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, tưởng đắc như vậy nên hành trì.

Tưởng đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người có tham dục sống với tưởng câu hữu với sân hận, người ấy có hại tâm và sống với tưởng câu hữu với hại tâm. Tưởng đắc như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm.

Tưởng đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì, bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người không có tham dục, sống với tưởng không câu hữu với tham dục, người ấy không có sân hận và sống với tưởng không câu hữu với sân hận, người ấy không có hại tâm và sống với tưởng không câu hữu với hại tâm. Tưởng đắc như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, thiện pháp tăng trưởng.

Tưởng đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa tưởng đắc”. Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Kiến đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì và không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa kiến đắc”. Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Một kiến đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, kiến đắc như vậy không nên hành trì. Và một kiến đắc nào khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, kiến đắc như vậy nên hành trì.

Kiến đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng; thiện pháp thối giảm? Ở đây, bạch Thế Tôn có người có (tà) kiến như sau: “Không có bố thí, không có lễ hy sinh, không có tế tự, không có quả dị thục các nghiệp thiện ác, không có đời này, không có đời khác, không có mẹ, không có cha, không có loại hóa sanh, ở đời không có những vị Sa-môn, những vị Bà-la-môn, chánh hướng, chánh hạnh đã tự mình với thượng trí chứng tri, chứng đạt và an trú đời này, đời khác và truyền dạy lại”. Kiến đắc như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Kiến đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng? Ở đây, bạch Thế Tôn, có người có (chánh) kiến như sau: “Có bố thí, có lễ hy sinh, có tế tự, có quả dị thục các nghiệp thiện ác, có đời này, có đời khác, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, ở đời có những vị Sa-môn, Bà-la-môn chánh hướng, chánh hạnh đã tự mình với thượng trí chứng tri, chứng đắc và an trú đời này, đời khác và truyền dạy lại”. Kiến đắc như vậy, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Kiến đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa kiến đắc”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Ngã tánh đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói cũng có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa ngã tánh đắc”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên gì lời nói ấy được nói lên? Ngã tánh đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, ngã tánh đắc như vậy không nên hành trì. Ngã tánh đắc nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, ngã tánh đắc như vậy nên hành trì.

Ngã tánh đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm? Ngã tánh đắc có hại, bạch Thế Tôn, vì sự không rốt ráo khi được sanh khởi, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Ngã tánh đắc gì, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng? Ngã tánh đắc vô hại, bạch Thế Tôn, vì sự rốt ráo khi được sanh khởi, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Ngã tánh đắc, này các Tỷ-kheo, tôi nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa ngã tánh đắc”. Thế Tôn đã nói như vậy, và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên. Bạch Thế Tôn, lời nói mà được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, con được hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

(Ðức Thế Tôn khen và tóm tắt)

— Lành thay, lành thay, này Sariputta! Lành thay, này Sariputta! Lời nói này được Ta nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

Thân hành, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa thân hành”. Ta đã nói như vậy và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Thân hành nào, này Sariputtta, khi hành trì thời bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm, thân hành như vậy không nên hành trì. Và thân hành nào, này Sariputtta, khi hành trì thời bất thiện pháp thối giảm, thiệp pháp tăng trưởng, thân hành như vậy nên hành trì.

Thân hành gì, này Sariputta, khi hành trì bất thiện pháp tăng trưởng, thiện pháp thối giảm? Ở đây, này Sariputta, có người sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại hữu tình. Người này lấy của không cho; bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy lấy trộm tài vật ấy. Người ấy sống tà hạnh trong các dục vọng, giao cấu các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Thân hành như vậy, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm.

Thân hành gì, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng? Ở đây, này Sariputtta, có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Người ấy từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho; bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy. Người ấy từ bỏ sống theo tà hạnh trong các dục vọng, không giao cấu với các hạng nữ nhân có mẹ che chở, có cha che chở, có anh che chở, có chị che chở, có bà con che chở, đã có chồng, được hình phạt gậy gộc bảo vệ, cho đến những nữ nhân được trang sức bằng vòng hoa. Thân hành như vậy, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng.

Thân hành, này các Tỷ-kheo, ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa thân hành”. Ta đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Khẩu hành, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa khẩu hành”. Ta đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên? Này Sariputta, khẩu hành nào khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, khẩu hành như vậy không nên hành trì. Và khẩu hành nào, này Sariputta, khi hành trì, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, khẩu hành như vậy nên hành trì.

Khẩu hành gì, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm? Ở đây, này Sariputta, có người vọng ngữ đến chỗ tập hội…

Ý hành,… Tâm sanh,… Tưởng đắc,… Kiến đắc,… Ngã tánh đắc,…

Ngã tánh đắc, này các Tỷ-kheo, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì; và như vậy là sự tương đối giữa ngã tánh đắc”, Ta đã nói như vậy, và do duyên như vậy lời nói ấy được nói lên.

Này Sariputta, lời nói này được Ta nói một cách vắn tắt, cần phải hiểu một cách rộng rãi như vậy.

(Lời giảng thứ hai)

Sắc do mắt nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Tiếng do tai nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Hương do mũi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Vị do lưỡi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Xúc do thân nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Pháp do ý nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.

(Giảng rộng)

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, lời nói này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, con được hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:

“Sắc do mắt nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Sắc nào do mắt nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, sắc do mắt nhận thức như vậy không nên hành trì. Sắc nào do mắt nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, sắc ấy do mắt nhận thức như vậy nên hành trì. “Sắc do mắt nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Tiếng do tai nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Tiếng nào do tai nhận thức bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, tiếng do tai nhận thức như vậy không nên hành trì. Tiếng nào do tai nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, tiếng do tai nhận thức như vậy nên hành trì. “Tiếng do tai nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Hương do mũi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Hương nào do mũi nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, hương do mũi nhận thức như vậy không nên hành trì. Hương nào do mũi nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, hương do mũi nhận thức như vậy nên hành trì.”Hương do mũi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Vị do lưỡi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Vị nào do lưỡi nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, vị do lưỡi nhận thức như vậy không nên hành trì. Vị nào do lưỡi nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, vị do lưỡi nhận thức như vậy nên hành trì. “Vị do lưỡi nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Xúc do thân nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Xúc nào do thân nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, xúc do thân nhận thức như vậy không nên hành trì. Xúc nào do thân nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, xúc do thân nhận thức như vậy nên hành trì. “Xúc do thân nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Pháp do ý nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì lời nói ấy được nói lên?

Pháp nào do ý nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, pháp do ý nhận thức như vậy không nên hành trì. Pháp nào do ý nhận thức, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, pháp do ý nhận thức như vậy nên hành trì. Pháp do ý nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.” Thế Tôn đã nói như vậy và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Bạch Thế Tôn, lời nói này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, con được hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

(Ðức Thế Tôn khen và tóm tắt)

— Lành thay, lành thay, này Sariputta! Lành thay, này Sariputta! Lời nói này được Ta nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa rộng rãi, Ông đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy.

Sắc do mắt nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Lời nói như vậy được Ta nói lên. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên?…

Tiếng do tai nhận thức,… Hương do mũi nhận thức,… Vị do lưỡi nhận thức,… Xúc do thân nhận thức,… Pháp do ý nhận thức, …

Pháp do ý nhận thức, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Lời nói như vậy được Ta nói lên và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Này Sariputta, lời nói này được Ta nói lên một cách vắn tắt, ý nghĩa lời nói ấy cần được hiểu một cách rộng rãi như vậy.

(Lời giảng thứ ba)

Y, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Ðồ ăn khất thực, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Sàng tọa, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Làng, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Thị trấn, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Ðô thị, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Quốc độ, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Người (Puggala), này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.

(Giảng rộng)

Khi được nghe nói vậy, Tôn giả Sariputta bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, lời nói này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải nghĩa một cách rộng rãi, con được hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như sau:

“Y, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.’ Thế Tôn đã nói như vậy. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Y nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì, các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, y như vậy không nên hành trì. Y nào, bạch Thế Tôn, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, y như vậy nên hành trì. “Y, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”.’ Thế Tôn đã nói lên như vậy. Và do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Ðồ ăn khất thực, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Sàng tọa, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Làng, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Thị trấn, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Ðô thị, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Quốc độ, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

“Người, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Bạch Thế Tôn, lời nói này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, không giải thích rộng rãi, con đã hiểu một cách rộng rãi như vậy.

(Ðức Thế Tôn khen và tóm tắt)

— Lành thay, lành thay, này Sariputta! Lành thay, này Sariputta! Lời nói này được Ta nói lên vắn tắt, không giải thích rộng rãi, Ông đã hiểu một cách rộng rãi như vậy.

Y, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Ta đã nói lên như vậy. Và do duyên gì, lời nói ấy được nói lên? Y nào, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp tăng trưởng, các thiện pháp thối giảm, y như vậy không nên hành trì. Y nào, này Sariputta, khi hành trì thời các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng, y như vậy nên hành trì. Y, này Sariputta, Ta nói có hai loại: “Nên hành trì, không nên hành trì”. Ta đã nói lên như vậy. Do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Ðồ ăn khất thực, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Sàng tọa, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Làng, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Thị trấn, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Ðô thị, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Quốc độ, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Người, này Sariputta, Ta nói có hai loại… do duyên như vậy, lời nói ấy được nói lên.

Này Sariputta, lời nói này được Ta nói vắn tắt, ý nghĩa lời nói ấy cần được hiểu một cách rộng rãi như vậy.

(Kết luận)

Này Sariputta, nếu tất cả những vị Sát đế lỵ, đối với lời nói này được Ta nói vắn tắt, có thể hiểu ý nghĩa lời nói ấy một cách rộng rãi như vậy, tất cả những vị ấy sẽ được hưởng hạnh phúc, an lạc lâu dài. Này Sariputta, nếu tất cả những vị Bà-la-môn .. nếu tất cả những vị Vessa… Này Sariputta, nếu tất cả những vị Thủ đà (Sudda), đối với lời nói này được Ta nói vắn tắt, có thể hiểu ý nghĩa lời nói ấy một cách rộng rãi như vậy, tất cả những vị ấy sẽ được hưởng hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Sariputta hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt